Microsoft mua mạng xã hội việc làm LinkedIn với giá 26,2 tỉ USD. Một thông tin gây bất ngờ. Bất ngờ vì gã khổng lồ phần mềm đã xác lập kỉ lục thế giới về một thương vụ thâu tóm mạng xã hội có giá trị lớn nhất từ trước tới nay. Bất ngờ vì mức giá được chốt quá cao cho mỗi một cổ phiếu LinkedIn…
Microsoft đã muốn mua, thì nên bán…
Nhìn lại từ thương vụ hụt Microsoft – Yahoo! năm 2008 đến thương vụ mua LinkedIn vừa được công bố dễ rút ra được một bài học: Doanh nghiệp nào đang hoạt động ổn định mà Microsoft đặt vấn đề mua lại, thì nhất thiết nên bán đi.
Đơn cử vụ mua hụt Yahoo! Khi ấy Microsoft đưa ra mức giá 31USD/cổ phiếu và tổng giá trị mua lại Yahoo! là 44,6 tỉ USD. Các cổ đông đã ưng bụng lắm trong đó có cổ đông lớn Carl Icahn (nắm 4,3% cổ phiếu) vì thấy hời to. Nhưng rồi ông này không lay chuyển được kẻ cứng đầu Jerry Yang - CEO của Yahoo! lúc ấy. Hệ quả là, giá cổ phiếu Yahoo! cứ thế tụt dốc không phanh, đến bây giờ không thể bán được toàn phần đành phải chặt khúc bán từng phần.
Thương vụ kế tiếp là mua lại Nokia. Ngay thời điểm Microsoft công bố thông tin ngày 3/9/2013, giá cổ phiếu Nokia tại thị trường chứng khoán Phần Lan đã tăng 48% lên 4,4 Euro/cổ phiếu, đẩy giá trị vốn hóa của doanh nghiệp này lên 16,2 tỉ Euro. Giả dụ rằng cổ phiếu Nokia không tăng 48%, thì ngay tại thời điểm đó, giá trị doanh nghiệp của Nokia vẫn cao hơn nhiều so với giá bán lại cho Microsoft là 5,4 tỉ Euro (tương đương 7,16 tỉ USD). Nhiều phân tích cho rằng vì Steve Ballmer đã âm thầm triển khai "điệp vụ" đưa Stephen Elop sang Nokia nắm quyền lèo lái Nokia từ đó mới ép mua được giá hời. Bởi cho tới khi công bố thông tin sáp nhập, Elop đã có tròn 3 năm (9/2010-9/2013) "nằm vùng" tại Nokia để thực thi nhiệm vụ lái Nokia sang hướng làm smartphone thương hiệu Lumia chạy hệ điều hành Windows Phone độc nhất vô nhị chưa hãng điện thoại nào triển khai.
Xung quanh thương vụ Microsoft – Nokia vẫn còn nhiều "khuất tất" phía sau chưa được công bố trên mặt báo nên chúng ta cũng chỉ có thể phỏng đoán xa xôi. Song có một điều có thể đặt ra: Trên vết trượt không phanh của Nokia lúc ấy, nếu không chịu bán lại cho Microsoft thì liệu có thể giữ được ở mức giá 5,4 tỉ Euro trong những năm về sau khi thị phần điện thoại Nokia cứ sụt giảm từng ngày? Không chừng lại rơi vào tình thế như Yahoo! hiện nay, giữ thì càng lỗ mà muốn bán cũng chẳng dễ. Hơn nữa, Nokia không phải được bán toàn bộ cho Microsoft mà chỉ là một phần quan trọng với một điều khoản quan trọng không kém là đến cuối năm 2016 này Nokia đã có quyền trở lại thị trường smartphone.
Bởi thế khi được Microsoft mua lại với mức giá 26,2 tỉ USD tương đương 196USD/cổ phiếu thì ban lãnh đạo LinkedIn gật đầu lẹ chứ không "ngoan cố" như ban lãnh đạo Yahoo! ngày trước. Bởi đó là mức giá quá hời cho LinkedIn khi cao hơn giá thực tế niêm yết trên sàn chứng khoán New York đến 50%.
Steve Ballmer đã thất bại, Satya Nadella liệu có thành công?
Năm 2008, cựu CEO Microsoft - Steve Ballmer mua hụt Yahoo! sau đó đã chuyển sang mua lại Nokia. Dù rằng mức giá mua lại Nokia được cho là khá hời nhưng điều đó đến thời điểm này chẳng còn ý nghĩa gì khi smartphone Lumia của Microsoft Mobile đang dần mất hút trên thị trường. Đó là "dấu ấn" tệ hại mà Ballmer để lại khiến ông phải về vườn, kéo theo tướng tiên phong Elop trong thương vụ sáp nhập Nokia cũng phải dứt áo khỏi Microsoft với giấc mơ về chiếc ghế CEO của hãng này sẽ chẳng bao giờ còn với tới được.
Việc tạo ra hay để lại dấu ấn luôn là mong muốn, là ý chí, là tham vọng của các CEO. Steve Ballmer đã từng tham vọng mang "mảnh ghép" Nokia về để xây dựng đế chế Microsoft đầy đủ phần mềm-phần cứng/thiết bị khi xã hội chuyển dịch mạnh mẽ sang thời đại smartphone, nhằm thống lĩnh thị trường (với sự bao quát phần mềm và phần cứng di động). Satya Nadella có lẽ tham vọng còn lớn hơn khi muốn đưa Microsoft vào địa hạt mạng xã hội nhằm thống lĩnh thị trường ở ba lĩnh vực. Nadella cũng cho rằng LinkedIn là "mảnh ghép hoàn hảo bổ sung vào Microsoft". Tất nhiên khi đã quyết định mua, chẳng thể nào không phát biểu những lời có cánh. Ngay cả các chuyên gia phân tích thuộc các hãng nghiên cứu thị trường nổi tiếng của Mỹ cũng vậy, cũng đa phần đưa ra những "lời hay ý đẹp" trong thương vụ Microsoft mua lại Nokia. Nhưng kết quả của thương vụ đó đến nay thì sao? Hiệu quả của các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) không thể dựa vào những lời khẳng định của các CEO hay những phỏng đoán của các chuyên gia.
Microsoft đã trả cho LinkedIn mức giá quá cao. Giá cổ phiếu LinkedIn trên thị trường niêm yết trước ngày công bố thông tin sáp nhập là 131,08USD/cổ phiếu, nhưng được Microsoft trả mức 196USD. Ngay sau đó giá cổ phiếu LinkedIn tăng phi mã 40% lên 192,21USD. Trong 5 ngày liên tiếp từ 13-17/6/2016 giá cổ phiếu LinkedIn dao động giảm khoảng 1% không đáng kể, cổ phiếu Microsoft cũng giảm nhẹ khoảng 1% sau khi có tin sáp nhập.
Nếu tính theo giá trị cổ phiếu LinkedIn và Microsoft trong ngắn hạn, thì gã phần mềm đang bị "bay hơi" không ít. Cụ thể từ ngày 10-17/6/2016, giá cổ phiếu Microsoft giảm từ mức 51,48USD xuống 50,13USD; trong khi giá cổ phiếu LinkedIn đang dừng ở mức 190,08USD vào phiên cuối tuần 17/6, so với mức giá mua thì Microsoft đang "lõm" xấp xỉ 5USD/cổ phiếu.
Satya Nadella đang chơi canh bạc lớn gấp 3,66 lần so với canh bạc của Steve Ballmer đã chơi năm 2013 nhưng về đường hướng khai thác LinkedIn cho công cuộc kinh doanh của Microsoft thì chưa thấy có một hứa hẹn tương ứng về hiệu quả.
Cứ rút từ bài học thâu tóm Nokia có thể thấy, giá mua tưởng ngon ăn thì giờ thành bại. Thương vụ Microsoft thâu tóm LinkedIn lúc này chưa thể khẳng định thành-bại dù so giá mua 196USD/cổ phiếu LinkedIn với mức giá trên thị trường niêm yết thì Microsoft đang lỗ hàng trăm triệu USD.
Hai CEO của Microsoft có hai cách vung tiền thực hiện M&A rất khác nhau. Steve Ballmer thôn tính Nokia theo lối "thực dân cũ" bằng cách đưa Elop sang hẳn Nokia để cai trị. Satya Nadella chọn cách thôn tính LinkedIn theo lối "thực dân mới": giữ nguyên CEO và ban lãnh đạo cấp cao của LinkedIn. Đây chính là sự khác nhau giữa Nadella và Ballmer và có lẽ cũng đã rút ra được bài học từ "điệp vụ" chiến lược Stephen Elop.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét